| |

TV

Tuesday, July 01, 2025

BỊ TẤN CÔNG “DỰ LUẬT TO ĐẸP”, TRUMP DỌA TRỤC XUẤT MUSK VỀ NAM PHI!



VietPress USA (01/7/2025): Cuộc khẩu chiến công khai và ồn ào giữa Tổng thống Trump và tỷ phú công nghệ Elon Musk đã bùng phát trở lại trong tuần này vì “dự luật to đẹp” của ông Trump, khi Quốc hội đang nỗ lực thông qua gói chi tiêu khổng lồ này trước ngày 4 tháng 7.

Vào thứ Hai, Musk tuyên bố sẽ ủng hộ các ứng viên sơ bộ chống lại bất kỳ nghị sĩ Cộng hòa nào ủng hộ dự luật của Trump và cam kết quyên góp cho những người như Dân biểu Thomas Massie (R-Ky.), người đã làm chính quyền Trump phật ý.

Đáp lại, Donald Trump đe dọa sẽ cắt các hợp đồng chính phủ dành cho các công ty của Musk và ám chỉ khả năng trục xuất CEO của Tesla, SpaceX, StarLink về lại Nam Phi!

Cả Trump và Musk từng phát tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng khép lại mối bất hòa gần một tháng trước. Tuy nhiên, dự luật thuế và chi tiêu mà Musk gọi là “hành động tự sát chính trị đối với Đảng Cộng hòa” lại khiến họ quay lại khẩu chiến trong mấy ngày qua.

“Washington có vẻ đang bối rối trước mối quan hệ lúc lạnh buốt, lúc bốc lửa  giữa Trump và Musk. Cứ tưởng họ đã làm hòa hồi tháng trước,” chiến lược gia Cộng hòa Ron Bonjean nói, đồng thời nhận xét rằng những bài đăng của Musk trên mạng xã hội X, nền tảng mà ông sở hữu, “đã khiến nhiều người bất ngờ” vì trước đó Musk dường như đang “muốn chôn vùi hiềm khích.”

Donald Trump hôm thứ Ba 01/7 đã tỏ ra không lo lắng trước khả năng Musk có thể ảnh hưởng đến Đảng Cộng hòa bằng các chỉ trích về dự luật, nhưng ông vẫn nhấn mạnh rằng chính phủ liên bang nên xem xét lại các hợp đồng với các công ty của Musk. Theo một phân tích của Washington Post hồi tháng Hai, Elon Musk và các công ty của ông đã nhận được ít nhất 38 tỷ USD dưới dạng hợp đồng chính phủ, khoản vay, trợ cấp và ưu đãi thuế.

 

Nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul công kích đàm phán dự luật "to đẹp" sau cuộc bỏ phiếu xuyên đêm.


“Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ cái sẽ xảy ra là DOGE sẽ xem xét Musk. Và nếu DOGE xem xét Musk, chúng ta sẽ tiết kiệm được cả đống tiền,” Trump nói trong một chuyến thăm trung tâm giam giữ di dân mới mở tại Florida, đề cập đến Cục Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency – DOGE). “Tôi nghĩ Elon không nên chơi trò đó với tôi.”, Trump đe dọa.

Đây là sự thay đổi rõ rệt so với thái độ trước đây của Donald Trump, người từng nói rằng ông nghĩ có thể làm lành với Musk sau cuộc tranh cãi nảy lửa tháng trước.

Khi được hỏi vào sáng thứ Ba 01/7 rằng “chuyện gì đã xảy ra với Musk”, Trump đáp: “Không có gì cả.”

“Ông ta đang bực vì bị mất chính sách ưu đãi xe điện, và ông ta đang bực. Rất bực. Nhưng ông ta có thể mất nhiều hơn thế. Tôi nói thật đấy, Elon có thể mất nhiều hơn thế nữa,” Trump nói, ám chỉ rằng Musk tức giận vì điều khoản trong dự luật loại bỏ các khoản giảm thuế cho xe điện – điều đã mang lại lợi ích lớn cho công ty ông.

 

Tổng thống Trump cũng gợi ý ông sẽ xem xét trục xuất Elon Musk – một công dân Mỹ sinh tại Nam Phi – người từng được ông bổ nhiệm làm lãnh đạo DOGE đến cuối tháng 5.

“Tôi không biết. Có thể phải xem xét lại. Có thể DOGE sẽ phải xử lý Elon. Bạn biết DOGE là gì không? DOGE là con quái vật có thể phải quay lại và ăn thịt Elon đấy. Sẽ tệ lắm nhỉ,” Trump nói.

Tổng thống từng ca ngợi DOGE với những cắt giảm sâu và cải cách mạnh tay trong chính phủ liên bang, bất chấp chỉ trích vì mất việc làm và gián đoạn dịch vụ. Ông cũng từng tặng Musk chìa khóa vàng vào Tòa Bạch Ốc hồi tháng 5 để ghi nhận đóng góp.

Nhưng giờ đây, Musk lập luận rằng dự luật thuế và chi tiêu đầy tham vọng của Trump đang phá hoại nỗ lực tiết kiệm của DOGE.

Khi các thượng nghị sĩ tranh cãi về dự luật trong tuần qua, Musk chỉ trích gói chi tiêu này là “điên rồ hoàn toàn” và là “tự sát chính trị” đối với Đảng Cộng hòa.

Hôm Thứ Hai 30/6, Elon Musk đã kêu gọi thành lập đảng mới để thay thế đảng Cộng hòa nay là đảng MAGA của Trump và bày tỏ lo ngại trước việc dự luật có thể làm tăng trần nợ công.

“Musk là một trường hợp đặc biệt vì ông có đủ tiền để thực sự làm lung lay hệ thống hai đảng,” một cựu quan chức chiến dịch của Trump nhận định.

“Đảng Cộng hòa rõ ràng đang gặp khó khăn trong việc điều hành, Đảng Dân chủ cũng vậy, nhưng hiện giờ tất cả những gì Trump muốn là một dự luật mang tên ông ấy, thứ mà Trump nghĩ là tốt. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa biết rõ đó không phải là dự luật tốt, nhưng họ bị thúc đẩy bởi nỗi sợ,” vị này nói. “Chúng ta là quốc gia hai đảng, đơn giản là thế. Musk có thể là người duy nhất đủ sức thay đổi điều đó nhờ khối tài sản của mình, nhưng ông ta sẽ phải tìm được các ứng viên thực sự đặc biệt và đáng tin mới thu hút được cử tri đang mất niềm tin – những người vốn vẫn nghiêng về Trump.”

Phiên bản dự luật tại Thượng viện, được thông qua suýt soát hôm thứ Ba, sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách gần 3,3 nghìn tỷ USD từ năm 2025 đến 2034 – cao hơn khoảng 1 nghìn tỷ USD so với bản dự luật đã được Hạ viện thông qua, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO).

“Mỗi nghị sĩ đã tranh cử với lời hứa cắt giảm chi tiêu nhưng rồi lại bỏ phiếu cho đợt tăng nợ lớn nhất trong lịch sử nên thấy xấu hổ!” Musk viết trên X.

“Và họ sẽ thất cử vòng sơ bộ vào năm tới, nếu đó là việc cuối cùng tôi làm trên Trái Đất này.”

Musk cam kết hỗ trợ các ứng viên sơ bộ chống lại các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ dự luật diễn ra sau khi Musk – người giàu nhất thế giới với tài sản 397 tỷ USD (theo Forbes) – từng tuyên bố sẽ giảm chi tiêu chính trị sau khi rót hàng trăm triệu USD vào cuộc bầu cử 2024.

“Ông ấy hoàn toàn có thể trở thành cái gai trong mắt Đảng Cộng hòa nếu tài trợ cho các ứng viên đối đầu. Sẽ gây ra nhiều đau đầu đấy, không nghi ngờ gì,” Bonjean nhận định.

Nhưng Trump “đang nắm phần lớn quân bài,” ông Bonjean nói, chỉ ra lời đe dọa trục xuất và quyền kiểm soát hợp đồng chính phủ mà Trump có thể áp dụng để đối phó với Musk.

“Tôi không nghĩ có ứng viên nào muốn bị người giàu nhất thế giới tung tiền đánh bại mình. Nhưng tôi nghĩ phần lớn nghị sĩ Quốc hội vẫn muốn có được sự ủng hộ của Trump hơn là tiền của Musk,” chiến lược gia GOP Alex Conant nói.

Một nguồn tin từng làm việc trong chính quyền Trump cho rằng tình huống với Musk không quá nghiêm trọng, vì Trump vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nghị sĩ Cộng hòa GOP.

“Tòa Bạch Ốc không vui vì cuộc khẩu chiến tái diễn, nhưng chẳng ai coi đây là mối đe dọa lớn về chính trị. Nó giống như một đợt bùng phát tạm thời hơn là bước ngoặt nghiêm trọng,” nguồn tin cho biết. “Đây là đảng của Trump. Ý tưởng rằng đảng viên Cộng hòa sẽ quay lưng với ông chỉ vì mâu thuẫn với Elon là điều không thực tế.”

Musk từng chi ít nhất 250 triệu USD của mình qua PAC để hỗ trợ Trump. Khi làm việc tại DOGE, ông có văn phòng trong khuôn viên Tòa Bạch Ốc, từng ngủ lại tại phòng ngủ Lincoln và khoe rằng ông và Trump là “bạn tốt.”

Trump cũng từng công khai bảo vệ Musk khi ông bị chỉ trích vì cắt giảm chi tiêu liên bang và khi xe Tesla bị phá hoại khắp nơi. Trump đã mua một xe Tesla và đưa nhiều xe Tesla đến trước Tòa Bạch Ốc để quảng cáo giúp cho Musk.

Khi được hỏi về cuộc khẩu chiến bùng phát trở lại, Tòa Bạch Ốc khẳng định tổng thống đang tiết kiệm tiền cho người đóng thuế với các chính sách của mình.

“Nhiều tổng thống từng hứa hẹn, nhưng chỉ có Tổng thống Trump là thực sự hành động để làm chính phủ hiệu quả hơn và loại bỏ lãng phí, gian lận và lạm dụng tại Washington – và sứ mệnh đó đang được triển khai toàn diện,” người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Harrison Fields nói qua email. “Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, mọi cơ quan và bộ ngành đang thực hiện nhiệm vụ này một cách nhịp nhàng, và nhờ đó đã tiết kiệm hơn 170 tỷ USD cho người dân Mỹ.”

Tính công khai trong cuộc tranh cãi giữa Trump và Musk lần trước – và cả lần này – là điều đặc biệt trong mối quan hệ bạn thành thù của họ.

“Đây không phải hai người giải quyết mâu thuẫn trong âm thầm. Họ sẵn sàng công khai khẩu chiến,” Conant nói.

Ông cũng lưu ý rằng Musk không phải là người đầu tiên được Trump trao quyền rồi lại bị ông quay sang đối đầu, dẫn ví dụ mối quan hệ rạn nứt giữa Trump với Phó tổng thống đầu tiên Mike Pence.

“Ai theo dõi Trump suốt 10 năm qua thì chẳng ngạc nhiên gì khi ông ấy không lùi bước trong cuộc chiến với Elon Musk.” Trump chắc chắn đang nhắm đến việc loại trừ Elon Musk bằng mọi thủ đoạn theo các nhà bình luận cho biết!

 

Những nội dung được đưa vào siêu dự luật gần 1.000 trang của Thượng viện là gì?


Hôm thứ Ba 01/7, các Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã nhanh chóng thông qua một gói chính sách lớn nhằm thúc đẩy các ưu tiên về thuế của Tổng thống Trump, được tài trợ bằng cách cắt giảm mạnh mạng lưới an sinh xã hội — bao gồm Medicaid và trợ cấp thực phẩm cho người nghèo. Dự luật cũng cắt giảm các khoản hỗ trợ năng lượng xanh và thay đổi các chương trình vay sinh viên.

Gói luật dài gần 1.000 trang, được công bố vào thứ Sáu, đã trải qua nhiều điều chỉnh rộng lớn kể từ khi những phần đầu tiên của kế hoạch được tiết lộ cách đây vài tuần. Trong vài ngày gần đây, phe Cộng hòa cũng liên tục chỉnh sửa dự luật theo chỉ đạo của Trump.

Dự luật rộng lớn này hiện đang chờ được Hạ viện xem xét, nơi các lãnh đạo hy vọng sẽ thông qua trước thời hạn tự đặt ra là ngày 4 tháng 7.

 

Những nội dung được giữ lại trong dự luật gồm những gì?


Trọng tâm của dự luật là gia hạn vĩnh viễn các điều khoản trong luật thuế năm 2017 của Trump — được ước tính sẽ khiến ngân sách liên bang mất hàng nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.

Một trong những đề xuất tốn kém nhất là gia hạn việc giảm thuế cá nhân từ luật năm 2017. Dự luật cũng sẽ cố định các mức thuế hiện tại, tăng mức khấu trừ tiêu chuẩn, và tiếp tục loại bỏ miễn giảm cá nhân.

Ngoài ra, dự luật cũng thực hiện một số lời hứa tranh cử của Trump, như:

Khấu trừ thuế cho tiền boa (tips)
Miễn thuế Lương làm thêm (overtime).
Không tính Tiền lãi vay mua ô tô.
Tuy nhiên, các khoản này không được khấu trừ hoàn toàn.

 

Medicaid


Phiên bản cuối cùng của dự luật áp đặt các điều kiện mới đối với Medicaid — chương trình bảo hiểm y tế liên bang-tiểu bang dành cho hơn 70 triệu người có thu nhập thấp và người khuyết tật.

Các yêu cầu mới:

Từ ngày 31/12/2026, người tham gia phải làm việc hoặc đi học ít nhất 80 giờ/tháng để được giữ bảo hiểm.
Áp dụng cho cả cha mẹ có con trên 14 tuổi và người lớn không có con/khuyết tật.
Tăng tần suất kiểm tra điều kiện tham gia.
Tuy nhiên, hai điều khoản không được chấp thuận bởi chuyên gia lập pháp Thượng viện:

Cắt tài trợ liên bang cho tiểu bang dùng tiền riêng để cung cấp dịch vụ y tế cho người nhập cư không có tình trạng hợp pháp.
Cấm Medicaid chi trả cho các dịch vụ chuyển đổi giới tính.
Ngoài ra:

Việc cắt thuế đối với bệnh viện ở các bang mở rộng Medicaid bị hoãn đến năm 2028.
Người trên ngưỡng nghèo sẽ phải trả chi phí đồng chi trả (copay) cho hầu hết dịch vụ Medicaid, tối đa 5% thu nhập hàng năm.

Cắt giảm hỗ trợ năng lượng xanh.


Các khoản tín dụng thuế cho năng lượng gió và mặt trời trong Đạo luật Giảm Lạm phát 2022 bị cắt giảm mạnh.

Dự luật chỉ cho phép các dự án được nhận ưu đãi thuế nếu bắt đầu phát điện trước năm 2028 — nghiêm ngặt hơn so với đề xuất trước đó.

 

Chương trình SNAP (trợ cấp thực phẩm)

Lần đầu tiên, một số bang phải chi trả một phần chi phí của SNAP nếu tỷ lệ lỗi trong thanh toán vượt quá 6%.
Bang có tỷ lệ lỗi cao sẽ chịu mức đóng góp từ 5% đến 15%.
Bang có tỷ lệ dưới ngưỡng sẽ không phải chi trả gì.
Việc áp dụng bị hoãn ở các bang có tỷ lệ lỗi cao nhất, như Alaska.
 

Tiền Vay cho sinh viên.


Dự luật giới hạn khoản vay và hợp nhất thành 2 lựa chọn trả nợ:

Kế hoạch trả nợ tiêu chuẩn mới
Kế hoạch trả nợ dựa trên thu nhập (IDR) bắt đầu năm 2028
Các giới hạn vay:

Vay bậc sau đại học: 20.500 USD/năm
Vay cho y khoa hoặc luật khoa: 50.000 USD/năm
Vay cho phụ huynh (Parent PLUS): 20.000 USD
Ngoài ra:

Hủy bỏ hoãn trả nợ do khó khăn kinh tế hoặc thất nghiệp.
Cho phép phục hồi khoản vay 2 lần (trước đây chỉ 1 lần)
 

Học bổng Pell

Tăng tài trợ vào năm 2026
Loại trừ sinh viên có học bổng toàn phần
Tạo học bổng Pell cho các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn
 

Trần nợ công

Tăng trần nợ thêm 5.000 tỷ USD
Bộ Tài chính hiện đang sử dụng "biện pháp đặc biệt" từ tháng 1 để tránh vỡ nợ
Tổng nợ công hiện trên 36.000 tỷ USD
 

Tín dụng thuế cho lựa chọn trường học.

Tạo chương trình tín dụng thuế quốc gia cho cá nhân/doanh nghiệp tài trợ học bổng K-12
Một chiến thắng lớn cho phong trào "trường học lựa chọn" (school choice)
 

Những nội dung bị loại bỏ:


Thượng nghị sĩ Mike Lee (R-Utah) rút đề xuất bán 1,2 triệu mẫu đất liên bang sau khi không đạt được cam kết rằng đất sẽ chỉ bán cho công dân Mỹ.

 

Thuế tiêu thụ đặc biệt cho gió và mặt trời.

Đề xuất đánh thuế các dự án dùng linh kiện Trung Quốc bị loại bỏ do vấp phải phản đối từ các nghị sĩ ôn hòa.

 

Quy định AI ở cấp bang


Bỏ điều khoản cấm các bang tự điều chỉnh AI trong 5 năm.

Ban đầu đề xuất là 10 năm để nhận 500 triệu USD hỗ trợ hạ tầng AI.

 

5 điểm rút ra khi Thượng viện chuyển Dự luật To, Đẹp của Trump sang Hạ viện

 

Sau 26 giờ tranh luận căng thẳng, các Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã thông qua gói luật thuế và chi tiêu đầy tham vọng của Tổng thống Trump vào chiều thứ Ba 01/7, đưa dự luật tiến thêm một bước lớn để đến được bàn làm việc của Trump trước 04/7.

Dự luật hiện được chuyển sang Hạ viện, nơi vẫn còn nhiều nghi vấn liệu các Dân biểu có thể đáp ứng thời hạn ngày 4/7 do chính đảng Cộng hòa đặt ra hay không.

Dự luật này sẽ hợp thức hóa vĩnh viễn nhiều chính sách cắt giảm thuế từ năm 2017 của Trump, loại bỏ một số loại thuế đánh vào tiền tip và tiền làm thêm giờ, đồng thời thực hiện các cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay đối với chương trình Medicaid và phúc lợi xã hội dành cho khoảng 70 Triệu dân Mỹ nghèo.

Với việc Thượng viện đã hoàn tất phần việc của mình — ít nhất là tạm thời — dưới đây là 5 điểm rút ra từ dự luật này trước khi được chuyển sang Hạ viện:

 

1. John Thune giành chiến thắng lập pháp lớn đầu tiên.


Lãnh đạo phe đa số Thượng viện John Thune (Cộng hòa – Nam Dakota) cuối cùng đã đạt được chiến thắng lập pháp lớn đầu tiên kể từ khi ông tiếp quản vai trò lãnh đạo phe Cộng hòa, qua đó củng cố vị thế của mình trong đảng và trong mắt Trump, khi các cuộc chiến tiếp theo đang chờ đợi.

Cuộc đàm phán vào phút chót với Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (Cộng hòa – Alaska) đã giúp chốt lại phiếu quan trọng, nhưng quá trình này đã mất nhiều tháng chuẩn bị.

Các Thượng nghị sĩ nói với tờ The Hill rằng thành công của Thune đến từ việc ông phân quyền nhiều hơn cho các chủ tịch ủy ban và các thành viên khác ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Ông cũng từng dẫn dắt việc phê chuẩn hầu hết các đề cử nội các của Trump, dù vấp phải sự hoài nghi từ một số thành viên Cộng hòa.

Thượng nghị sĩ Mike Rounds nhận xét: “Ông ấy có sự kiên nhẫn mà ít ai có. Ông không ép ai được, nhưng có thể giúp họ đi đến quyết định — và ông đang làm điều đó.”

Bất chấp một số lời chỉ trích về thời điểm bắt đầu phiên "vote-a-rama" muộn vào sáng thứ Hai, chiến lược của Thune vẫn phát huy hiệu quả.

 

2. Murkowski giành được nhiều nhượng bộ:


Đây gần như là truyền thống: mỗi khi cần phiếu của Murkowski cho các dự luật quan trọng, bà luôn đảm bảo quyền lợi cho bang Alaska.

Lần này, bà giành được:

Miễn trừ cho bang Alaska khỏi thay đổi trong chương trình hỗ trợ thực phẩm SNAP, giúp bang tiết kiệm hàng trăm triệu USD.

Một quỹ bệnh viện nông thôn trị giá 50 tỷ USD (tăng từ 25 tỷ).

Ưu đãi thuế cho ngư dân và các thuyền trưởng săn cá voi bản địa.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng. Thượng nghị sĩ Rand Paul chỉ trích rằng "phiếu bầu của bà ấy đã được mua bằng hàng tỷ USD," làm tăng thêm gánh nặng nợ công.

Murkowski phản pháo: “Tôi có nghĩa vụ với người dân Alaska. Khi ai đó gọi tiền liên bang cấp cho một bang là 'giải cứu', tôi thấy điều đó xúc phạm.”

 

3. Bất đồng với Trump là tự rước họa.


Dự luật này cũng là lời nhắc nhở rằng đối đầu với Trump có thể khiến sự nghiệp chính trị tiêu tan.

Thượng nghị sĩ Thom Tillis (Cộng hòa – Bắc Carolina) tuyên bố không tái tranh cử sau khi chống đối các cắt giảm Medicaid và bị Trump công kích dữ dội trên mạng xã hội.

Tillis từng là một trong những Thượng nghị sĩ dễ tổn thương nhất trong năm bầu cử 2026. Ông cảnh báo rằng đảng Cộng hòa sẽ phải trả giá vì các cắt giảm.

Câu chuyện của Tillis là lời cảnh báo cho các Thượng nghị sĩ khác như Susan Collins hay Rand Paul, những người cũng bỏ phiếu chống.

Trong khi đó, những người như Bill Cassidy và Joni Ernst — dù có nghi ngại với các đề cử trong nội các — vẫn không dám đối đầu công khai.

 

4. Con đường gập ghềnh ở Hạ viện


Hạ viện sắp phải đối mặt với chặng đường khó khăn không kém.

Ít nhất 6 Dân biểu Cộng hòa tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống, gây khó khăn cho Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson — người từng kêu gọi Thượng viện giữ nguyên bản Hạ viện.

Nhưng Thượng viện đã thay đổi nhiều nội dung. Nếu Hạ viện sửa lại, Thượng viện sẽ phải bỏ phiếu lại — điều họ hoàn toàn không muốn sau phiên marathon.

Một nghị sĩ Cộng hòa ôn hòa nói: “Ai cũng than phiền. Có vài điều nhỏ thì người ta khen, nhưng nhìn chung ai cũng ghét bản Thượng viện.”

Johnson chỉ có thể để mất tối đa 3 phiếu Cộng hòa, nếu tất cả các Dân biểu có mặt và phe Dân chủ đồng loạt phản đối.

 

5. Liệu phe bảo thủ ở Hạ viện có bị 'qua mặt'?

Trước phiên vote-a-rama, ba Thượng nghị sĩ bảo thủ (Ron Johnson, Rick Scott và Mike Lee) đã phản đối kịch liệt việc thiếu cắt giảm chi tiêu.

Nhưng khi bỏ phiếu, họ không thể đạt được mục tiêu cắt thêm 313 tỷ USD cho Medicaid — và cuối cùng vẫn bỏ phiếu thuận.

Câu hỏi đặt ra: liệu các Dân biểu bảo thủ ở Hạ viện có đi vào vết xe đổ?

Trong quá khứ, phe Freedom Caucus từng phản đối mạnh mẽ rồi lại "quay xe" sau một cuộc gọi từ Trump hoặc một chuyến thăm Tòa Bạch Ốc.

Hôm thứ Ba, Dân biểu Ralph Norman (R-S.C.) khẳng định sẽ bỏ phiếu chống "ở mọi bước." Dân biểu Chip Roy (R-Texas) cũng tuyên bố có “nhiều vấn đề nghiêm trọng” với dự luật.

Tuy nhiên, chính Roy thừa nhận rằng áp lực từ Trump sẽ là yếu tố lớn khi thời hạn ngày 4/7 đang đến gần:

“Tôi hiểu vì sao họ muốn dự luật này thông qua. Nhưng tôi nghĩ chúng ta còn việc phải làm.”



Phe bảo thủ tại Hạ viện đe dọa “nổi loạn” vì dự luật “Lớn, Đẹp” của Trump!


Một nhóm nhỏ các dân biểu bảo thủ cứng rắn tại Hạ viện đang đe dọa sẽ bỏ phiếu chống lại một bước thủ tục vào thứ Tư cho dự luật hòa giải của Đảng Cộng hòa – hành động có thể khiến Hạ viện đình trệ hoàn toàn và làm trật bánh kế hoạch của lãnh đạo Cộng hòa MAGA nhằm thông qua đạo luật này trước ngày 4 tháng 7.

Dân biểu Andy Harris (Cộng hòa - Tennessee), chủ tịch nhóm Bảo thủ Tự do Hạ viện (House Freedom Caucus), cùng Dân biểu Ralph Norman (Cộng hòa - South Carolina), một thành viên khác trong nhóm, đều tuyên bố hôm thứ Ba rằng họ sẽ bỏ phiếu chống lại quy tắc thủ tục – quy định các điều kiện tranh luận – cho dự luật “siêu khủng” này, do phản đối một số điều khoản trong gói chính sách.

Đảng Cộng hòa chỉ có thể để mất tối đa ba phiếu mà vẫn vượt qua rào cản thủ tục, giả định rằng tất cả các Dân biểu đều có mặt và Đảng Dân chủ đồng loạt bỏ phiếu “không”. Harris cho biết các thành viên khác cũng đang cân nhắc tham gia phản đối quy tắc này.

“Đó chính là lý do vì sao một nhóm chúng tôi sẽ không bỏ phiếu để thông qua dự luật cho đến khi giải quyết được các vấn đề về thâm hụt ngân sách,” Harris nói trên Fox News khi được hỏi về những chỉ trích của Elon Musk với dự luật. “Ông Musk đúng – chúng ta không thể tiếp tục với mức thâm hụt này, ông ấy hiểu tài chính và nợ công. Và tôi tin rằng Freedom Caucus sẽ đi đầu trong việc làm rõ điều đó.”

Harris nói thêm:

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã có đủ phiếu, giống như Thượng viện ban đầu cũng không đủ cho đến khi có vài nhượng bộ. Tôi tin rằng quy tắc sẽ không được thông qua vào sáng mai Thứ Tư 02/7, và Chủ tịch Hạ viện sẽ phải quyết định làm sao để đưa nó quay lại quy trình của Hạ viện.”

Hôm thứ Hai, Dân biểu Keith Self (Cộng hòa - Texas), cũng là thành viên của Freedom Caucus, đã đề xuất có thể bỏ phiếu chống quy tắc này, nói với báo chí:

“Hãy nhớ rằng chúng ta cũng phải thông qua quy tắc bỏ phiếu, chưa thể chắc chắn là tôi sẽ ủng hộ dự luật trên sàn hay không.”

Một cuộc “nổi loạn sàn” có thể làm tiêu tan hy vọng của lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong việc gửi dự luật đến Tổng thống Trump vào thứ Sáu 04/7. Các lãnh đạo dự kiến bắt đầu xem xét dự luật vào lúc 9 giờ sáng thứ Tư 02/7, với phần tranh luận và bỏ phiếu về quy tắc, sau đó là tranh luận cuối và bỏ phiếu thông qua.

Tuy nhiên, nếu phe bảo thủ lật đổ quy tắc này, kế hoạch đó sẽ sụp đổ — điều mà phe cánh hữu hoàn toàn chấp nhận được.

“Tôi tin rằng đến thứ Tư tuần sau chúng ta có thể đạt được thỏa thuận. Chúng ta không thể làm điều đó trong vài ngày tới, nhưng tuần sau thì có thể,” Harris nói hôm thứ Ba.

Lời cảnh báo nổi loạn xuất hiện chỉ vài giờ sau khi Thượng viện, sau một đêm tranh luận và bỏ phiếu kéo dài, đã thông qua dự luật — với lá phiếu quyết định của Phó Tổng thống JD Vance.

Dự luật đã có nhiều thay đổi so với phiên bản của Hạ viện, bao gồm sửa đổi ngôn ngữ về Medicaid, bãi bỏ một số ưu đãi thuế cho năng lượng xanh và cắt giảm thuế.

Các quy tắc thủ tục vốn dĩ là thủ tục suôn sẻ, khi đảng đa số thường đồng thuận “có” và đảng thiểu số phản đối “không”. Nhưng những năm gần đây, phe bảo thủ đã sử dụng quy trình này như công cụ phản đối dự luật hoặc quyết định của lãnh đạo.

Quy tắc dự kiến sẽ vẫn vượt qua Ủy ban Quy tắc Hạ viện dù có hai dân biểu bảo thủ cực đoan — Norman và Chip Roy (Cộng hòa - Texas) — là thành viên ủy ban, vì cần ba phiếu chống từ Đảng Cộng hòa để ngăn quy tắc được đưa ra sàn, với điều kiện phe Dân chủ thống nhất phản đối.

Hiện tại, sau khi dự luật quay trở lại Hạ viện, nhiều dân biểu bảo thủ và trung dung đang chỉ trích nội dung của nó. Phe cánh hữu phản đối việc tăng thâm hụt ngân sách, trong khi các nghị sĩ ôn hòa lo ngại về việc cắt giảm Medicaid.

Phe bảo thủ đặc biệt muốn chỉnh sửa dự luật để sát với phiên bản Hạ viện đã thông qua hồi tháng 5 — điều có vẻ khó xảy ra khi lãnh đạo GOP bác bỏ việc sửa đổi, vì nếu sửa, dự luật sẽ phải quay lại Thượng viện để được phê chuẩn lại.

“Tôi không hài lòng với những gì Thượng viện đã làm với sản phẩm của chúng tôi, nhưng chúng tôi hiểu đây là quá trình, sẽ có đi có lại, và chúng tôi sẽ làm việc để có được sự đồng thuận trong nội bộ,” Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng hòa - Louisiana) nói hôm thứ Ba.
Khi được hỏi liệu hạn chót thứ Sáu có thực tế không, ông đáp: “Chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra trong 24 giờ tới.”

Trong lúc này, phe bảo thủ đang chuẩn bị phản đối mạnh mẽ.

“Không ổn chút nào,” Norman nhận xét về dự luật. “Dự luật của chúng tôi đã bị thay đổi hoàn toàn. Từ tín dụng thuế IRA đến thâm hụt ngân sách — tăng thêm 750 tỷ đô la — điều đó là không thể chấp nhận được.”

Harris bổ sung:

“Những thay đổi vào phút chót tại Thượng viện — đúng nghĩa là bản sửa đổi cuối cùng — có thể đã thêm vào khoảng 100 tỷ đô la cho thâm hụt, với các khoản trợ cấp 'trò lừa năng lượng xanh'. Chúng tôi ủng hộ chương trình nghị sự của Tổng thống, nhưng ông ấy không đề xuất tăng thâm hụt thêm 750 tỷ trong 10 năm tới. Giờ đây, Hạ viện sẽ lên tiếng. Dự luật này sẽ không dễ dàng được thông qua – chúng tôi sẽ phải đàm phán lại với Thượng viện, và đó là cách quá trình lập pháp nên vận hành với một dự luật quy mô như thế.”

Trong khi đó, Tổng thống Trump đang mạnh mẽ kêu gọi các Dân biểu Cộng hòa tại Hạ viện đồng lòng, để ông có thể nhanh chóng ký ban hành gói chính sách chứa đựng nhiều ưu tiên hàng đầu của mình.

“Chúng ta có thể có tất cả ngay lúc này — nhưng chỉ khi GOP Hạ viện ĐOÀN KẾT, bỏ qua những 'KẺ KHOE MẼ' thi thoảng xuất hiện (các bạn biết là ai đấy!), và làm điều đúng đắn: gửi dự luật này lên bàn làm việc của tôi. Chúng ta đang đúng tiến độ — Hãy tiếp tục, hoàn tất trước khi các bạn và gia đình đi nghỉ lễ 4/7. Người dân Mỹ cần và xứng đáng có điều đó. Họ đã gửi chúng ta đến đây để HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC!” — Trump viết trên Truth Social hôm thứ Ba.

 

HẠNH DƯƠNG

Tổng hợp.
www.Vietpressusa.us
RELATED POSTS