
VietPress USA (03-4-2015): Sau khi 6 cường quốc Thế giới gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga cùng ký Thỏa Thuận Sơ Bộ về chương trình Nguyên Tử đối với Iran vào ngày hôm qua, Thứ Năm 02-4-2015 tại Thụy Sĩ; thì hôm nay Thứ Sáu 03-4 tại Do Thái, Thủ Tướng vừa tái đắc cử của Do Thái là Benjamin Netanyahu đã lên tiếng cực lực chống đối Thỏa Thuận nầy và cho rằng đó chỉ là giải pháp làm lợi cho Iran và đe dọa an ninh của Do Thái.
Thủ Tướng Netanyahu đã gọi điện thoại trực tiếp điện đàm với TT Barack Obama để bày tỏ rằng thỏa thuận mà Hoa Kỳ vá các cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc vừa ký kết với Iran ngày hôm qua sẽ không được chính phủ Do Thái tán thành!
Ngay sau đó, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đã triệu tập phiên họp khẩn của Hội Đồng Nội Các và thảo luận về tình hình an ninh đặc biệt của Do Thái cần hành động ra sao trước tình hình nầy.
Thủ Tướng Netanyahu nói trong một Thông Cáo rằng thỏa thuận đề ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho Israel, cho khu vực và thế giới bởi vì nó sẽ thúc đẩy nền kinh tế Iran, gia tăng sự hiếu chiến của Iran trong khu vực và nâng cao rủi ro của một cuộc chạy đua vũ trang và chiến tranh hạt nhân.
Thỏa thuận đạt được sau 8 ngày thương nghị ráo riết giữa Iran và 6 cường quốc thế giới, định ra các hướng dẫn cho một hiệp ước chung quyết vào trễ nhất là ngày 30-6-2015 tới đây. Thỏa thuận đề nghị nới lỏng các biện pháp chế tài quốc tế áp đặt đối với Iran trong khi Tehran giảm bớt chương trình tinh chế uranium, mà nhiều người lo ngại là được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân.
ông Ephraim Kam, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, nói thỏa thuận có một số khía cạnh tích cực nhưng những điểm này bị lấn lướt nhiều bởi những điểm tiêu cực. Theo ông: “Chương trình hạt nhân của Iran đã ngừng lại một thời gian và trong một nghĩa nào đó đã bị đẩy lui về phía sau. Mặt khác, có rất nhiều kẽ hở trong thỏa thuận này mà gần như tất cả mọi người nên quan ngại.”
Giới chỉ trích nói thỏa thuận giúp Iran duy trì tất cả các cơ sở hạt nhân, mà họ có thể mau chóng tái khởi động nếu muốn. Chương trình hạt nhân của Iran đã ngừng lại một thời gian và trong một nghĩa nào đó đã bị đẩy lui về phía sau. Nay có rất nhiều kẽ hở trong thỏa thuận này mà gần như tất cả mọi người nên quan ngại.
Những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận cũng không giải quyết chương trình của Iran theo báo cáo là vũ khí hóa Uranium đã tinh chế và khai triển các phi đạn có thể chở các vũ khí hạt nhân đi xa hàng ngàn kilomet.
Giáo sư Ely Karmon thuộc Trung tâm Đa hiệu của Israel nói thỏa thuận hợp thức hóa chương trình hạt nhân của Iran và không giải quyết việc Iran can dự vào các vụ xung đột ở Syria, Iraq và Yemen. Ông nói: “Dưới hình thức hợp pháp loại này và tiềm năng ô dù hạt nhân, Iran tiếp tục và có lẽ sẽ tăng cường mưu toan hung hăng bành trướng sự hiện diện thống trị trong khu vực. Vậy là rõ ràng các nhà lãnh đạo Israel rất lấy làm lo ngại về tương lai.”
Các nhà lãnh đạo Israel đã nói họ sẽ dành quyền đơn phương đáp trả bất kỳ mối đe dọa hạt nhân nào của Iran, kể cả việc oanh kích các cơ sở hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, chuyên gia Karmon tin rằng có nhiều phần chắc sẽ không còn phương án quân sự nữa. Ông Karmon nói rằng sự kiện này khiến cho Israel còn rất ít chọn lựa để hành động. Ông nhận định: “Quyết định chính trị trong tình huống này, khi có một thỏa thuận được sự bảo trợ của tất cả các đại cường trên thế giới, sẽ khiến cho phương án quân sự trở nên rất khó khăn.”
Ông nói: “Vậy là chỉ còn các nỗ lực ngoại giao, vận dụng Quốc hội Hoa Kỳ và một số bạn bè có thể sẵn sàng hợp tác. Tôi có thể nói vào lúc này, không phải là những chọn lựa nhiều hứa hẹn.”
Ông Karmon nêu ra rằng phía Iran có thể muốn tránh việc bành trướng khả năng hạt nhân vào thời điểm này bởi vì một vụ đối đầu ngày càng tăng giữa các đồng minh của Iran và một liên minh quân sự do Ả Rập Xê-út lãnh đạo ở Syria, Iraq và Yemen và các nước khác nữa.
Theo ông Karmon: “Phía Iran phải rất thận trọng không nên khiêu khích phía Ả Rập Xê-út và thậm chí cả phía Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước ủng hộ Ả Rập Xê-út trong cuộc chiến chống lại các tay sai của Iran.”
Dù sao, các chuyên gia nói rằng trước mắt, những cuộc thương nghị còn gay go hơn nữa còn đang chờ đợi vào lúc Iran và các cường quốc thế giới tìm cách biến thỏa thuận khung thành một kế hoạch hành động chung trong thời gian 3 tháng sắp tới. Cuộc chiến tranh đang nổ ra tại Yemen theo các phân tích tình báo tây Phương được cho rằng có sự nhúng tay của Iran.
Nên hỗ trợ Do Thái tấn công Iran:
Trong khi đó, ông John Bolton, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời Tổng thống George W. Bush đã lên tiếng tán thành việc để cho Do Thái can thiệp bằng quân sự và Iran. Ông nói: “Trong một thế giới mà ta không có những chọn lựa tốt, mà chỉ có hai lựa chọn: một là Iran và các nước khác có được vũ khí hạt nhân, hoặc là Israel và Hoa Kỳ sử dụng lực lượng quân sự răn đe chống lại Iran. Tôi nghĩ chọn lựa thứ hai tốt hơn là chọn lựa thứ nhất. Không có phương án nào là tốt, nhưng chúng ta ở trong một tình huống không có được chọn lựa nào tốt cả.”
 |
Ông John Bolton, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời Tổng thống George W. Bush |
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đe dọa tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran để bảo đảm rằng Iran không chế tạo một quả bom nguyên tử. Hoa Kỳ từng nói rằng “mọi phương án đều được đưa lên bàn thảo luận,” ý muốn nhắc khéo đến việc tiến hành một cuộc tấn công quân sự cũng đang được cân nhắc.
Các chuyên gia về tình báo chiến lược cũng nêu ra rằng phía Iran đã đặt các cơ sở hạt nhân sâu bên dưới mặt đất, có lẽ quá sâu để phía Israel có thể tấn công được. Các chuyên gia phân tích nói Israel hoàn toàn có khả năng tiến hành một chiến dịch không kích nhắm vào các mục tiêu hạt nhân của Iran bao gồm các cơ sở tinh chế, các mỏ uranium, một loạt các phòng thí nghiệm và các công ty kỹ thuật sản xuất các bộ phận sử dụng trong các cơ sở hạt nhân. Nhưng chuyên gia quân sự Paul Rogers, thuộc trường Đại học Bradford của Anh nói Hoa Kỳ là nước duy nhất có thiết bị cần thiết để đánh trúng các mục tiêu nằm dưới mặt đất, một quả bom gọi là “Massive Ordnance Penetrator,” tạm dịch nghĩa là “Bom xâm nhập sử dụng đạn mìn cực mạnh.”
Ông nói: “Thiết bị này được thiết kế cụ thể để đi xuyên qua nhiều tầng bê tông cốt thép, có khả năng cho biết khi nào đi qua những khoảng chân không chưa phải là mục tiêu chính và sau đó phát nổ bên trong không gian của mục tiêu chính. Và như tôi nói, đây là quả bom duy nhất thuộc loại này. Nó cân nặng khoảng 15 tấn và được thả từ độ cao, nó sẽ đạt tới tốc độ cực nhanh và có thể đánh trúng mục tiêu với độ chính xác đáng kể.”
Ông Rogers và các chuyên gia phân tích khác nói bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào các mục tiêu vũ khí hạt nhân của Iran cũng sẽ đưa chương trình hạt nhân của nước này đi ngược trở lại chỉ từ 2 đến 3 năm.
Chuyên gia này nói thêm: “Và vấn đề đối với bất cứ vụ tấn công nào của Israel là nếu một cuộc tấn công diễn ra thì người ta có thể ít nhiều nêu ra giả thuyết là Iran sau đó sẽ quyết tâm thủ đắc vũ khí hạt nhân mau chóng hết sức mình.”
Một chuyên gia về chương trình hạt nhân của Iran tại Viện Kỹ thuật Massachusetts, ông Jim Walsh nói: “Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ hiện tin rằng Iran chưa đi đến quyết định liệu có chế tạo một quả bom hạt nhân hay không. Iran có một chương trình, đã đình chỉ vào năm 2003, và tính đến nay vẫn chưa đưa ra quyết định. Chắc chắn có cơ may là nếu ta dùng hành động quân sự thì họ sẽ đưa ra quyết định đó.”.
Chuyên gia quân sự Thomas Hammes của Đại học Quốc phòng không thấy có lý do để hành động quân sự. Ông nói: “Oanh tạc có ích gì nếu ta biết rằng ta chỉ đẩy họ lui trở lại vài năm bởi vì sau đó họ không những chỉ là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, mà còn là một quốc gia có vũ khí hạt nhân khó chịu đối với ta bởi vì ta đã oanh tạc họ và có thể đã oanh tạc họ nhiều lần.”
Huy Anh. Tổng hợp.