Nước Mỹ Và Trật Tự Thế Giới
NƯỚC MỸ & TRẬT TỰ THẾ GIỚI
Chính Trị Phiếm Đàm 26/10/2023
Nhất Hùng
Dẫn Nhập:
Từ thời cổ đại, phương Đông và phương Tây đã từng hình thành nên các trung tâm quyền lực, mô hình của trật tự thế giới, đó là “Trật tự Thiên Hạ” với Trung Quốc làm trung tâm và nền “Hòa bình Roma” với một đế chế có quyền lực rộng khắp Địa Trung Hải, Tây Nam Âu, Bắc Phi và Tây Á. Tuy nhiên, các trật tự này chủ yếu vận hành theo nghi lễ, quy tắc bất thành văn và hầu như không đại diện cho một trật tự chung của thế giới.
Dấu mốc cho sự hình thành hệ thống quốc tế nói chung, trật tự thế giới nói riêng là Hòa ước Westphalia năm 1648, trong đó lần đầu tiên xác định bằng văn bản về khái niệm quốc gia - dân tộc, coi quốc gia - dân tộc là một chủ thể chính trong quan hệ quốc tế. Hiệp ước này đặt nền móng cho sự hình thành hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại, trong đó có việc tạo dựng nên một “trật tự thế giới dựa theo luật lệ” với các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền, lợi ích quốc gia, quyền tự quyết, quyền tự chủ tôn giáo và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tuy nhiên, Hòa ước Westphalia năm 1648 luôn bị thách thức sau đó bởi sự thay đổi tương quan sức mạnh và tham vọng địa chính trị của các nước, trước hết là ở châu Âu.
Sự nổi lên của nước Pháp như một cường quốc quân sự, nhất là cuộc chiến do Hoàng đế Napoleon Bonaparte phát động vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX đã làm cho trật tự này bị phá vỡ. Cho đến khi Napoleon Bonaparte bị thua trận Waterloo năm 1815, các nước thắng trận như Anh, Nga, Đức, Pháp, Áo và nhiều quốc gia khác gặp nhau tại Vienna và đưa ra một giải pháp hòa bình khôi phục lại hệ thống hay trật tự Westphalia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, trên quy mô một châu lục, có đại diện của hầu hết các quốc gia tham dự.
Đại hội Vienna đã hình thành nên khuôn khổ cho trật tự chính trị châu Âu mà tiêu biểu là chống lại phi tập trung hóa quyền lực, đề cao sự bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng quyền tự quyết quốc gia - dân tộc. Trật tự này tồn tại cho đến khi thế chiến thứ I nổ ra năm 1914.
Thế chiến I kết thúc vào ngày 10-11-1918 với sự đầu hàng của Đức, khối Hiệp ước, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ, Italia và Nhật Bản là những nước chiến thắng.
Các nước thắng trận ký Hòa ước Versailles (1919-1920) phân chia khu vực ảnh hưởng của họ trên thế giới và muốn tạo dựng một thể chế chính trị mang tính toàn cầu nhằm ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ hòa bình và chủ quyền quốc gia. Hội Quốc Liên, ra đời ngày 10/01/1920 với 44 nước tham gia sáng lập. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ không phê chuẩn Hòa ước Versailles nên Hội Quốc Liên hoạt động không hiệu quả. Thay vào đó, Mỹ nỗ lực lập Hòa ước Washington, để Mỹ sẽ có nhiều lợi ích hơn ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Nhưng sự ra đời của Nhà nước Nga Xô viết, sau đó là Liên Xô - một trung tâm quyền lực mới thách thức đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy hòa ước Versailles và hòa ước Washington đã loại nước Nga ra khỏi trật tự này, cho dù Nga là một nước thuộc phe Hiệp Ước thắng trận trong Thế Chiến thứ I. Nhưng sau đó “Versailles - Washington” bị thách thức bởi cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 và sự nổi lên của Đức Quốc xã với sự cầm quyền của Hitler từ năm 1933. Sự kiện nước Đức tấn công Ba Lan vào năm 1939 sau đó là Pháp, Anh, Liên xô đã làm bùng nổ Thế Chiến II. Trật tự Versailles - Washington sụp đổ, thế giới bước vào cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại.
Thế Chiến II kết thúc, trục phát xít Đức - Ý - Nhật bại trận, Đồng minh và Liên xô chiến thắng. Thế chiến 2 làm thay đổi tương quan sức mạnh giữa các nước và quyền lực trong quan hệ quốc tế, đưa đến hình thành một trật tự thế giới mới cả về chính trị và kinh tế.
Hội nghị Anh - Mỹ - Liên Xô tại Teheran tháng 10/1943, tại Yalta tháng 2/1945 và Posdam tháng 7/1945 đã sắp xếp lại quyền lực quốc tế. Từ đây hình thành hai cực, một cực do Liên Xô một cực do Mỹ đứng đầu, hai cực đối nghịch ý thức hệ chính trị, tư tưởng, kinh tế và quân sự.
Liên hợp quốc ra đời với bản Hiến chương Liên hợp quốc và hệ thống Bretton Woods, trong đó có các định chế như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch, Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Tạo ra quy tắc, luật chơi chung.
Năm 1991, Liên Xô sụp đổ, trật tự thế giới lưỡng cực chấm dứt. Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, có sức mạnh vượt trội trên các mặt và là nước có quyền lực nhất, chi phối nhiều mặt của đời sống xã hội trên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây vị trí độc tôn của Mỹ bị cạnh tranh bị thách thức vì sự trỗi dậy của nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Cộng.
Như vậy, trong khoảng 300 năm lịch sử quan hệ quốc tế, kể từ Hòa ước Westphalia, từ trật tự thế giới đa cực 1648 - 1945, trật tự lưỡng cực 1945 - 1991 rồi trật tự đơn cực 1991 đến nay. Sự phân cực biến động phản ánh sự cạnh tranh quyền lực, loại trừ nhau để giành vị trí độc tôn mà Mỹ trở thành bá chủ thế giới.
Trên thực tế, chưa có một mô hình trật tự nào có khả năng giải quyết mâu thuẫn và duy trì hòa bình thế giới. Liên hợp quốc cũng bất lực bởi sự trỗi dậy của các thể chế độc tài, chế độ giáo quyền, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, tham vọng địa chính trị…
********
Hiện nay, Mỹ đang là bá chủ thế giới - cả thế giới đều công nhận, cả thế giới đều không ưa thực tế này và luôn đòi hỏi “đa cực”, kể cả các nước đang là đồng minh của Mỹ.
Nhưng nổi cộm nhất là Nga, Trung Cộng, Iran… những quốc gia đang làm đủ cách để phá thế bá chủ của Mỹ
- Nga xâm lược Ukraine với “chiến dịch đặc biệt”, đây chỉ là một cố gắng chống lại thế bị bao vây và từng bước cố gắng phá vỡ trật tự mà Mỹ áp đặt. Những tưởng nuốt trọn Ukraine rồi sẽ tính tiếp.
- Trung Cộng, với sự trỗi mạnh, giàu về kinh tế, dân đông, có nhu cầu mở rộng phòng thủ trên biển, thực hiện tham vọng bành trướng, đã là một cường quốc kinh tế nay muốn được khẳng định là một siêu cường quân sự. Muốn được chia phần làm bá chủ khu vực, muốn soán ngôi Mỹ ở Châu Á.
Trung Đông đầy mâu thuẫn, nhiều nước tranh chấp vị trí thủ lĩnh khu vực, Iran là điển hình. Iran nuôi dưỡng tổ chức khủng bố Hamas ở dải Gaza, Hezbollah ở Liban, Housthis ở Yemen…gây bất ổn cho tử thù là Israel, phá bĩnh những kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Tiến dần từng bước để được trở thành thủ lĩnh Trung Đông
Vì muốn phá thế đơn cực mà Mỹ là bá chủ, sự liên kết của các quốc gia kể trên là điều tự nhiên và dễ hiểu. Để duy trì vai trò bá chủ của mình, Mỹ đã làm những điều sau đây:
- Với Nga, lợi dụng sự xâm lăng Ukraine, Mỹ tập hợp liên minh, củng cố và mở rộng khối NATO, tích cực giúp Ukraine với một mục đích rất rõ: - 1/ Nga không thể thắng ở Ukraine - 2/ Làm khô máu và suy kiệt Nga để từ nay không còn khả năng gây chiến với bất cứ nước nào. Mục đích thứ nhất Mỹ đã hoàn thành. Mục đích thứ hai, Mỹ đang thực hiện. Làm Nga khô máu đến đâu còn tùy thuộc vào chiến lược của Hoa Kỳ và ông Tổng Thống kế tiếp của Mỹ, bất kể là ông nào và của Đảng nào. Đây là cơ hội ngàn năm một thuở. Nga không có bất cứ cửa nào để trở thành bá chủ khu vực chứ đừng nói đến chuyện tranh ngôi với Mỹ.
- Với Trung Cộng, tham vọng soán ngôi không qua khỏi mắt Mỹ, để đối phó: 1/ Xoay trục qua Châu Á - Ấn Độ Dương. 2/ Đã bao vây nay bao chặt hơn nữa bằng các liên minh FIVE EYES ( Ngũ Nhãn - Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zeland), liên minh AUKUS (Úc - Anh - Hoa Kỳ), Liên Minh Mỹ - Nhật - Hàn, Liên Minh Mỹ Ấn và nhất là Hàng Không Mẫu Hạm Không Thể Chìm Đài Loan. Chỉ kể bấy nhiêu cũng thấy giấc mơ của Trung Cộng còn lâu, lâu lắm mới có mòi.
- Với Iran, trở ngại lớn nhất cho Mỹ là Tôn Giáo. Iran là một quốc gia theo thể chế giáo quyền, đụng chạm Iran, không khéo sẽ đụng chạm cả khối Hồi Giáo. Bài toán này đã được Mỹ và Phương Tây giải từ lâu. Dựng một Israel làm tiền đồn, làm cứ địa canh chừng cả cõi Trung Đông. Muốn làm bá chủ Trung Đông, Iran phải tiêu diệt, phải xóa sổ quốc gia Do Thái như họ đã thề - vô phương -
Mỹ mỗi năm cho không Israel 3 tỉ dollars, một đầu tư sáng suốt và còn rẻ chán.
Tất cả các chuyện đang xảy ra trên thế giới. Nga xâm lược Ukraine, Trung Cộng hăm he nuốt chửng Đài Loan, Trung Đông nổi lửa…tất cả cũng chỉ vì muốn lật đổ thế “đơn cực”, vai trò “bá chủ” thế giới của Mỹ.
Như những gì đã trình bày. Mỹ còn làm bá chủ thế giới lâu lắm.
Nhưng nhiều người bảo chính trường HK hỗn loạn, bất ổn…sẽ sớm suy tàn nhưng ở một góc độ nào đó người viết nghĩ, sinh hoạt thế mới là CỘNG HÒA, mới là DÂN CHỦ. Chính điều này làm nên sức mạnh Hoa Kỳ.
Chỉ có một điều cần lo lắng:
Sức mạnh vượt trội về kinh tế, về quân sự của Mỹ với đối thủ đang ngày càng bị thu hẹp. Phải chi tiền, chi thật nhiều tiền hơn nữa để tạo thế vượt trội tất cả mọi mặt với đối thủ. Đừng lo, Mỹ giàu lắm, còn nhớ “Chiến tranh Giữa Các Vì Sao - Star War” của cố Tổng Thống Regan không.
Nhất Hùng
www.Vietpressusa.us