Home » Việt Nam
Lịch sử xây dựng Nhà Thờ TAM TÒA ở Đồng Hới với Cố Trung René Morineau vào năm 1935
Monday, June 22, 2020
Nhà thờ bên cạnh công viên sông Nhật Lệ (Hình từ Phong Nha Explorer) |
Từng là một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo nhất của Việt Nam thời thuộc địa (Phong Nha Eplorer) |
VietPress USA (22/6/2020): Thưa quý đọc giả xa gần,
VietPress USA có đọc qua một số tài liệu nói rằng ngôi nhà thờ TAM TÒA ở Đồng Hới bị bom đạn thời chiến tranh còn trơ lại tháp chuông đã dược xây dựng vào năm 1886 (Ví dụ Website "Phong Nha Explorer" (https://phongnhaexplorer.com/thong-tin-du-lich-quang-binh/di-tich-nha-tho-tam-toa-dong-hoi.html) ghi rằng: "Giáo xứ Tam Toà được hình thành khá sớm so với các vùng khác thuộc tỉnh Quảng Bình và đã trải qua nhiều tên gọi, khởi đầu là xứ đạo Ðông Hải, hay còn gọi là Họ Lũy. Đến khoảng năm 1774, được gọi là giáo xứ Sáo Bùn, năm 1886, Sáo Bùn chuyển về Đồng Hới, dựng nhà thờ bên bờ sông Nhật Lệ và lập thành giáo xứ với tên gọi mới Tam Tòa. Đây chính là nơi hiện nay còn ngọn tháp nhà thờ Tam Tòa cũ." Website nầy cũng cho hay ngôi thánh đường nầy là nơi mà cố Thi sĩ HÀN MẠC TỬ đã được chịu phép rửa tội lấy tên Thánh là François Nguyễn Trọng Trí.
Tuy nhiên, VietPress USA vừa đọc được một tài liệu của tác giả DƯƠNG VĂN KÍNH, một giáo hữu gốc sinh quán Tam Tòa, đã đưa ra bằng chứng rằng nhà thờ Tam Tòa vừa bị chiến tranh Việt Nam tàn phá còn trơ lại di tích tháp chuông chính là ngôi thánh đường đã được cố Trung René Morineau xây dựng vào năm 1935, cùng thời sau khi cố Trung René Morineau vừa xây dựng thánh đường Lavang. Tài liệu ông Dương Văn Kính viết rằng "Việc xây dựng có thể tạm thời xử dụng lòng nhà thờ cũ. Bản vẽ được lấy từ cung thánh nhà thờ La Vang nhưng tầm vóc nhỏ hơn.
Cố Trung xây dựng công trình kiến trúc này rất am tường công việc, hơn nữa, Ngài sử dụng các thợ cũ nên công việc trở nên hoàn hảo... Không còn nghi ngờ gì nữa là khi công trình hoàn thành, giáo dân Tam Tòa sẽ có một thánh đường rộng rãi, vững chắc và đẹp đẽ."
Tìm đọc tài liệu về Vương cung Thánh đường Lavang do Từ điển Wikipedia phổ biến, thấy rõ :
""* Từ 1886-1901: GM.GASPAR xây dựng một ngôi thờ ngói từ năm 1886 đến ngày 06/08/1901 làm lễ khánh thành.
* Từ 1924-1928: GM. ALLYS kiến thiết quy mô hơn và nâng thành linh địa La Vang, khánh thành ngày 20/08/1928.
Năm 1885, Giám mục Caspar Lộc quyết định cho xây dựng tại La Vang một ngôi nhà thờ bằng ngói. Mọi vật liệu xây dựng cần thiết đã được chuẩn bị nhưng mãi đến năm 1894 mới khởi công và hoàn tất vào năm 1901, dưới ba đời linh mục chính xứ Bonnard, Patinin, Bonin. Nhà thờ ngói được Giám mục Caspar Lộc xức dầu cung hiến và khánh thành vào dịp Đại hội La Vang lần thứ nhất (từ ngày 6-8 tháng 8 năm 1901) với tước hiệu Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu.
Nội thất ngôi nhà thờ này được thiết kế theo kiểu kiến trúc cổ Việt Nam chứa được vài trăm người nhưng mặt tiền thì theo kiến trúc phương Tây. Phía trước có hai tháp dang ra hai bên. Trên bàn thờ có tượng ảnh Chúa Giêsu, Đức Mẹ Mân Côi, thánh Đa Minh và bà thánh Catarina. Phía trên cửa ra vào chính diện in nổi năm chữ nôm: LA VANG CUNG CHỦ MẪU (tức là: ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG)[3]. Trong dịp Đại hội La Vang lần thứ 8 (năm 1923), Giám mục Allys Lý nhận thấy số giáo dân hành hương ngày một đông, ngôi nhà thờ ngói thì quá chật hẹp, lại đã xuống cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nên đã quyết định xây dựng ngôi nhà thờ rộng lớn hơn tại La Vang.
Lễ Đức Mẹ Lộ Đức (ngày 11 tháng 2 năm 1924), linh mục Morineau Trung giáo xứ Cổ Vưu phát lệnh khởi công xây dựng nhà thờ La Vang theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier. Sau bốn năm, công trình hoàn thành . Nhà thờ với hai tầng mái và hai cánh thánh giá. Tháp chuông hình vuông hai tầng nổi bật lên giữa cảnh đồi cát và núi rừng chung quanh.. Ngày 20 tháng 8 năm 1928, Giám mục Allys Lý đã long trọng cử hành nghi thức xức dầu cung hiến nhà thờ mới và làm phép chuông vào ngày 30 tháng 9 năm 1928. Qua nhiều năm sau, Nhà thờ La Vang bị hư hại nặng. Giữa năm 1955, linh mục sở tại La Vang Giuse Trần Văn Tường cho trùng tu, thay toàn bộ tuồng gỗ bằng vài sắt."(Link: https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C6%B0%C6%A1ng_cung_th%C3%A1nh_%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng_%C4%90%E1%BB%A9c_M%E1%BA%B9_La_Vang).
Ông DƯƠNG VĂN KÍNH trưng dẫn tài liệu nói rằng: "Khi nhìn tháp cỗ lại nhớ cố Trung". Tháp cỗ ở đây là 2 di tích còn lại của nhà thờ La Vang và Tam Tòa, những công trình tiêu biểu của nhà kiến trúc lỗi lạc René Morineau. Được biết, khi xây dựng nhà thờ La Vang thì phần gỗ được đưa từ Quảng Bình vào; còn khi xây dựng nhà thờ Tam Tòa thì gạch ngói cùng những bông gió tráng men được vận chuyển từ lò gạch xứ Trí Bưu, nơi đã cung cấp vật liệu cho nhà thờ La Vang."
Được sự đồng ý của tác giả DƯƠNG VĂN KÍNH, VietPress USA cho phổ biến tài liệu "CỐ TRUNG RENÉ MORINEAU XÂY DỰNG NHÀ THỜ TAM TÒA" sau đây đễ tùy nghi quý đọc giả và các nhà sử học tham khảo.
VietPress USA
California, ngày 22/6/2020.
o0o
Tác giả tài liệu: DƯƠNG VĂN KÍNH, sinh quán TAM TÒA, hiện ở Sài-gòn. Facebook: https://www.facebook.com/kinh.duongvan.3/posts/2711875749084694 |
CỐ TRUNG RENÉ MORINEAU
XÂY DỰNG NHÀ THỜ TAM TÒA
Nhà thờ TAM TÒA được xây dựng hoàn tất năm 1935 tại Đồng Hới. Hình chụp năm 1938 |
Tháng 8/2009, sau khi xây dựng hàng rào sắt kiên cố, chính quyền thành phố Đồng Hới cho dựng tấm bia "Chứng tích chiến tranh tháp chuông nhà thờ Tam Tòa". Điều đáng nói là trên tấm bia này có câu: "Nhà thờ Tam Tòa được xây dựng vào năm 1886". Đây là nhận định sai lầm mang tính chất "tào lao". Bởi, năm 1886 giáo xứ Tam Tòa chưa tái lập ở nơi đây lấy đâu để xây dựng nhà thờ đồ sộ thế kia.
Lại có nhiều tác giả khi đề cập đến ngôi nhà thờ này đều ghi là được xây dựng vào năm 1940, đây cũng là nhận định không đúng.
Vừa qua, bác Lê Thiện Sĩ có tặng tui một tấm hình nhà thờ Tam Tòa mà bác ấy đã sưu tầm được trên tạp chí "Bulletin de la Société des Missions Etrangères de Paris (MEP) năm 1938. (hình 1) Tấm hình không những là một tư liệu quý mà còn là nguồn cảm hứng giúp tui gom góp tư liệu đã được phổ biến vào buổi đương thời để tường trình lại công việc xây dựng nhà thờ Tam Tòa vào năm 1935.
Theo tạp chí Bulletin des Missions Etrangères, năm 1934 cho biết (xin lược ghi): Sau khi chủ sự lễ an táng cho linh mục tiền nhiệm là cố Huề Henry de Pirey qua đời tại Hà Nội vào ngày 26/7/1934; ngày 02/8, cố Trung đã có mặt tại Tam Tòa để dâng Thánh lễ cầu nguyện cho cố Huề Henry de Pirey với sự hiện diện của trên 30 linh mục cùng giáo dân tham dự đứng tràn ra khuôn viên nhà thờ.
Nhà thờ TAM TÒA ở Đồng Hới. Hình chụp năm 1953 |
Khi mới đến Tam Tòa, việc đầu tiên cố Trung cho xây dựng nhà dục anh ở cuối xứ đạo để nuôi trẻ mồ côi; tiếp theo phối hợp với ty công chánh thị xã Đồng Hới xây dựng bờ kè dọc theo bờ sông từ cầu Mụ Kề đến hết nhà xứ, Riêng đoạn phía sau nhà thờ được xây cao và kiên cố hơn. Trước khi san lấp, cố Trung đã cho đóng cọc bằng các cây tre già.
Tạp chí Bulletin des Missions Etrangères, năm 1935 (tr.814-817) đã mô tả việc "Tam Tòa làm nhà thờ mới" như sau (xin lược dịch): "Cố Morineau, cha bề trên quản hạt Quảng Bình đã bắt tay vào một công việc to lớn: việc xây dựng nhà thờ giáo xứ Tam Tòa. Quả thật đúng lúc: nhà thờ cũ đã hư hỏng, thánh đường đã quá chật chội với cộng đồng giáo dân đã phát triển nhiều trong những năm gần đây.
Tiếc là, kinh phí eo hẹp chỉ cho phép Ngài chỉ thực hiện một phần công trình: cung thánh và một số ghế ngồi. Việc xây dựng có thể tạm thời xử dụng lòng nhà thờ cũ. Bản vẽ được lấy từ cung thánh nhà thờ La Vang nhưng tầm vóc nhỏ hơn.
Cố Trung xây dựng công trình kiến trúc này rất am tường công việc, hơn nữa, Ngài xử dụng các thợ cũ nên công việc trở nên hoàn hảo... Không còn nghi ngờ gì nữa là khi công trình hoàn thành, giáo dân Tam Tòa sẽ có một thánh đường rộng rãi, vững chắc và đẹp đẽ."
Cũng theo Đức cha Lamasle trong báo cáo cùng năm 1937cho biết: "Các tòa nhà cô nhi viện vừa hoàn thành thì cha Morineau đã khởi công xây dựng một ngôi trường và một thánh đường, nhà thờ này không chối cãi là một trong những thánh đường đẹp nhất của Miền Truyền Giáo." (bản dịch của cha Stanislaô Nguyễn Đức Vệ).
Vậy thì đã rõ, việc xây dựng nhà thờ Tam Tòa được khởi công vào năm 1935 và được hoàn thành vào đầu năm 1938.
Cũng cần biết thêm về ngôi nhà thờ cũ được cố Bổn Jean Bonnard xây dựng vào năm 1902 với cột kèo bằng gỗ tốt, tường xây và lợp ngói. Sau khi xây dựng nhà thờ mới, ngôi nhà thờ cũ đã được nhượng lại cho giáo xứ Tân Mỹ ở gần cửa biển Thuận An, Thừa Thiên - Huế, nơi mà trước đây cố Trung đã từng làm bổn sở. (Hiện nay, các cột gỗ và vi kèo vẫn con sử dụng tốt ở nhà thờ Tân Mỹ.)
Có câu: "Khi nhìn tháp cỗ lại nhớ cố Trung". Tháp cỗ ở đây là 2 di tích còn lại của nhà thờ La Vang và Tam Tòa, những công trình tiêu biểu của nhà kiến trúc lỗi lạc René Morineau. Được biết, khi xây dựng nhà thờ La Vang thì phần gỗ được đưa từ Quảng Bình vào; còn khi xây dựng nhà thờ Tam Tòa thì gạch ngói cùng những bông gió tráng men được vận chuyển từ lò gạch xứ Trí Bưu, nơi đã cung cấp vật liệu cho nhà thờ La Vang.
Lại có sự trùng hợp khá thú vị là sau nhiều năm xây dựng, Vương cung Thánh đường La Vang sẽ được khánh thành vào tháng 10/2020; chỉ 2 tháng sau, nhà thờ mới của giáo xứ Tam Tòa cũng sẽ được cung hiến. Bởi vậy, nên có nhiều người ví von là La Vang và Tam Tòa là anh em con cùng một cha.
Nhà thờ TAM TÒA bị chiến tranh Việt Nam tàn phá, Ảnh chụp năm 2009 |
Bao năm qua, được biết nhiều bậc "liền anh, liền chị" cùng thế hệ các em tui cũng đã về với đất tổ. Mong rằng, ngày khánh thành nhà thờ mới Tam Tòa sẽ là dịp hội ngộ của những người con lưu lạc xa quê.
Cuối cùng, xin giới thiệu cùng bà con hình ảnh một cụ già đang quỳ gối hôn đất bên vỉa hè trước rào sắt kiên cố nơi di tích nhà thờ (hình 5) - Đó là Linh mục Nguyễn Tình, đang phục vụ tai giáo xứ Savanakhet thuộc giáo hội Lào. Tháng 10/2018, khi đã qua tuổi 80, tuy sinh ở Lào, nhưng Sáo Bùn - Tam Tòa là quê cha, đất tổ. Không quên cội nguồn, nhiều lần cha lại trở về thăm viếng. Noi gương cha, biết đâu chúng ta cũng có lúc nào đó sẽ gởi lại chút nước mắt mặn chát của tuổi già nơi di tích nhà thờ Tam Tòa? Là bởi, "quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi làm người ".
Bài của DƯƠNG VĂN KÍNH
O0O0
www.Vietpressusa.us