Home » Front Page
Phải chăng TT Trump trả ơn Putin giúp ông đắc cử bằng cách chửi rũa Đồng minh NATO, hạ nhục Thủ tướng Anh, chê bai Thủ tướng Đức và bán rẻ Cộng đồng Tình báo Mỹ trước kẻ thù Nga?
Wednesday, July 18, 2018
VietPress USA (18/7/2018): Mục “Đọc Báo Dùm Bạn” hôm nay, kính mời đọc giả khắp nơi
thưởng thức bài Tổng hợp của VOA nói về thành tích của Tổng thống Mỹ Donald
Trump trong chuyến công du Âu Châu và họp thượng đĩnh đầy nhục nhã với Tổng
thống Nga Vladimir Putin vừa qua.
VietPress USA
Sau đây là bài của VOA:
Chuyên gia: Chưa Tổng thống Mỹ nào gây tổn hại nhiều như Trump
19/07/2018
Nhiều Tổng thống Mỹ cũng gây ồn ào khi công du nước ngoài, nhưng không có ai gây rối loạn ở mức độ như Tổng thống Donald Trump.
Chuyến công du náo loạn của ông đến châu Âu, theo các nhà sử học, đã phá bỏ những quy ước về các nhà lãnh đạo Mỹ trên trường quốc tế.
Phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump đã chứng kiến ông ấy chấp nhận lời của một quốc gia thù địch thay vì đứng về phía các cơ quan tình báo của đất nước, sỉ nhục đồng minh và gieo rắc nghi ngờ về cam kết của nước Mỹ với khối đồng minh NATO, theo các sử gia.
“Chúng ta chưa bao giờ có một Tổng thống nào ra nước ngoài mà không chỉ dạy đời cho các đồng minh NATO mà còn làm cho họ bẽ mặt,” ông William Pomeranz, một chuyên gia về Nga và là phó giám đốc của Viện Kennan tại Trung tâm Wilson. “Chúng ta chưa từng có một Tổng thống nào đi công du nước ngoài lại gọi đồng minh của chúng ta là kẻ thù. Và chúng ta cũng chưa từng có một Tổng thống nào họp báo với nguyên thủ Nga mà lại đổ lỗi cho cả hai phía, trên quan điểm của ông ấy, nhưng thực ra lại dành phần lớn thời gian buộc tội Bộ Tư pháp và các cơ quan tình báo Mỹ.”
Mặc dù những Tổng thống Mỹ trước đây cũng có những chuyến công du nước ngoài khó khăn và cũng bị chỉ trích vì các cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Liên Xô, cách hành xử của ông Trump khó mà thấy ở bất cứ vị Tổng thổng nào, theo quan điểm của các sử gia về Tổng thống và những người theo dõi nước Nga lâu năm.
Cựu Tổng thống Franklin Roosevelt bị cáo buộc là ‘bán rẻ lợi ích’ cho Joseph Stalin tại Hội nghị Yalta Conference hồi năm 1945; cựu Tổng thống John F. Kennedy và các trợ lý của ông thừa nhận ông đã không chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với Nikita Khrushchev vào năm 1961 ở Vienna; Thượng đỉnh Reykjavík giữa cựu Tổng thống Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev vào năm 1986 vào lúc đó được xem là một thất bại; và cựu Tổng thống George W. Bush bị chế nhạo khi nói với các nhà báo hồi năm 2001 sau khi gặp gỡ ông Putin rằng ông đã ‘nhìn vào mắt ông Putin’ và ‘nhận thấy ông ấy rất thẳng thắn và đáng tin cậy’.
Chuyến công du của ông Trump thì lại khác.
“Thật lòng mà nói, tôi không cho rằng bất cứ vị Tổng thống Mỹ nào kể trên lại không theo đuổi lợi ích an ninh của nước Mỹ khi họ bị các lãnh đạo Liên Xô mà họ gặp lừa dối,” bà Alina Polyakova, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, nói. “Tôi nghĩ ngay cả cuộc gặp của Tổng thống George W. Bush khi mà ông ấy có câu nói nổi tiếng là ‘nhìn vào mắt Putin và thấy được tâm hồn ông ấy’ thì cuộc gặp thượng đỉnh này (giữa ông Trump và Putin) đã vượt qua cuộc gặp đó cả ngàn lần.”
Thật vậy, thậm chí trước khi rời Washington, ông Trump đã nói rõ rằng ông ấy muốn chiến đấu. Ông ấy chửi mắng các thành viên NATO, liên minh quân sự với Mỹ hàng chục năm, vì đã không chi tiêu đủ cho quốc phòng và còn nói là ông có thể sẽ không muốn ‘bỏ tiền ra bảo vệ cho châu Âu’ nữa.
Khi xuất hiện lần đầu tiên tại bữa sáng trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, ông đã tấn công Thủ tướng Đức Angela Merkel với cáo buộc rằng nước Đức ‘hoàn toàn bị nước Nga kiểm soát’ rồi sau đó đặt câu hỏi trên Twitter: “NATO thì có gì tốt chứ?” Khi hội nghị NATO kết thúc, ông Trump nói là ông đã đạt được cam kết mới về việc tăng cường chi tiêu mà các nhà lãnh đạo khác sau đó đã bác bỏ.
Kịch tính tiếp tục khi ông Trump lên đường tới điểm đến kế tiếp: Anh quốc. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông bị phủ bóng đen bởi giọng điệu bùng nổ mà ông ném về phía Thủ tướng Theresa May trước khi ông đến. Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo lá cải của Anh, ông đã chỉ trích kế hoạch của bà May về Brexit (Anh tách khỏi EU) và nói có lẽ ông không còn hứng thú với một thỏa thuận thương mại với Anh và còn nói rằng đối thủ chính trị của bà May sẽ là một thủ tướng tuyệt vời. Những phát biểu của ông đã làm tổn hại thêm cho bà May vào thời điểm chính phủ của bà đang rối loạn.
Sau đó là một cuộc phỏng vấn khác nữa, lần này khi ông ấy đang chơi golf ở Scotland, và khi đó ông Trump đã gọi Liên minh châu Âu là ‘kẻ thù địa chính trị hàng đầu’ của Mỹ.
Tuy nhiên, thế giới lại không hề ngờ rằng ông Trump lại có thể đưa ra những phát biểu như ở Helsinki sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin của Nga, quốc gia mà các cơ quan tình báo Mỹ đã buộc tội là can thiệp vào bầu cử Mỹ để giúp cho ông đắc cử Tổng thống.
Đứng trên bục cùng với nhà lãnh đạo bị cáo buộc là tấn công vào nền tảng của nền dân chủ Mỹ, ông nói rằng ‘ông không thấy lý do gì’ mà Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ông cũng đả kích Bộ Tư pháp Mỹ, nói rằng cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga là ‘thảm họa của đất nước chúng tôi’.
Đó là một phát biểu gây sửng sốt từ miệng của một Tổng thống Mỹ - phát biểu mà ông tìm cách đảo lại một phần 24 giờ sau đó bằng cách đổ lỗi cho sai sót về ngữ pháp. Tuy nhiên ông lại không rút lại một số phát biểu khác mà trong đó ông thể hiện sự tin tưởng đối với ông Putin.
“Trump-Putin 0-1”, trang bìa của tờ báo Kauppalehti của Phần Lan chạy tít.
“Chỉ đứng đó và bán rẻ đất nước ở nước ngoài trước mặt kẻ thù – chưa hề có tiền lệ cho một hành vi nhục nhã và mất lý trí như vậy,” ông Douglas Brinkley, một sử gia về Tổng thống Mỹ và là Giáo sư tại Đại học Rice danh tiếng, nhận định.
Về phần mình, Pomeranz nói rằng những thiệt hại mà ông Trump gây ra với việc gọi châu Âu là ‘kẻ thù’ và lên lớp đồng minh NATO là ‘to lớn’.
“Tôi nghĩ đó sẽ là những gì đọng lại từ sau chuyến đi đó,” ông nói.
VietPress USA
www.Vietpressusa.us