Bà Hillary Rodham Clinton (nhũ danh Hillary Diane Rodham, sinh ngày 26 tháng 10 năm 1947 tại Bệnh viện Edgewater, Chicago, tiểu bang Illinois. trong một gia đình là tín hữu Giám Lý sống ở Park Ridge, Illinois. Cha bà, ông Hugh Ellworth Rodham, hậu duệ của những di dân xứ Anh và xứ Wales. Ông là
người có khuynh hướng bảo thủ, quản lý thành công một doanh nghiệp nhỏ trong
công nghiệp dệt. Mẹ bà, Dorothy Emma Howell Rodham, hậu duệ của những di dân
gốc Anh, Scotland, Pháp, Canada gốc Pháp, và xứ Wales, là nội trợ.
Nữ Tiến sĩ Luật và Đệ I Phu Nhân Tiểu bang Arkansas Hoa Kỳ:
Năm 1973, Rodham nhận văn bằng Tiến sĩ Luật tại Yale với luận
án về quyền trẻ em, rồi bắt đầu một năm nghiên cứu trong chương trình cao học về
trẻ em và y học tại Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em Yale. Trong thời gian làm nghiên cứu cao học, Rodham hoạt động với
tư cách luật sư cho Quỹ Bảo vệ Trẻ em. Suốt trong năm 1974, cô được mời làm việc
trong ban thẩm tra luận tội tổng thống, cố vấn cho Uỷ ban Tư pháp của Hạ viện
suốt trong vụ tai tiếng Watergate. Tháng 8 năm 1974, Rodham gia nhập ban giáo
sư (là một trong hai phụ nữ duy nhất ở đây) của Trường Luật thuộc Đại học
Arkansas, ở Fayettville. Tại đây nữ Luật
sư trẽ Rodham quen và yêu người bạn trai duy nhất học cùng lớp là Bill Clinton,
cũng đang giảng dạy Luật tại đây. Năm 1975, Rodham kết hôn với Clinton và đến sống
ở Little Rock, tiểu bang Arkansas.
Bà Hillary Clinton là Đệ I Phu nhân Tiểu bang Arkansas từ năm 1978, khi chồng bà là ông Bill Clinton đắc cử thống đốc Arkansas và chức vụ nầy kéo dài thời
gian tổng cộng là 12 năm. Ngày 27 tháng 2 năm 1980 bà sinh hạ Chelsea là con gái
duy nhất của gia đình Clinton.
Đệ I Phu Nhân Hoa Kỳ khi Bill Clinton làm Tổng Thống Mỹ:
Năm 1993, Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm Đệ I Phu nhân
Hillary Rodham Clinton lãnh đạo Chương trình Cải cách Chăm sóc Sức khoẻ Quốc
gia, thường được gọi là kế hoạch chăm sóc sức khoẻ Clinton hoặc gọi theo cách
dè bỉu bởi những người chống đối là "Hillarycare", nhưng không giành
đủ hậu thuẫn để được thông qua tại lưỡng viện của Quốc hội mặc dù Đảng Dân chủ
chiếm đa số tại hai định chế này; đến tháng 9 năm 1994, kế hoạch này phải bỏ dở.
Suốt trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng Thống, Bill
Clinton đã nói rõ rằng khi cử tri bỏ phiếu cho ông tức là có được "hai
trong một". Lời nhận xét dí dỏm này đã dẫn đến những suy diễn cho rằng cả
hai đang hành xử quyền lực của "đồng Tổng thống", đôi khi còn được gọi
với biệt danh "Billary". Trên cương vị Đệ nhất phu nhân, bà Hillary Clinton
giành được sự ngưỡng mộ của nhiều người vì tính kiên định trong lập trường ủng
hộ quyền phụ nữ trên khắp thế giới cũng như những cống hiến của bà cho các vấn
đề trẻ em. Năm 1997, bà khởi xướng Chương trình Bảo hiểm Y tế Trẻ em, một nỗ lực
cấp liên bang nhằm hỗ trợ trẻ em có cha mẹ không đủ khả năng tài chính chi trả
chi phí y tế cho con mình.
Trở thành Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ tại New York:
Khi Thượng nghị sĩ Daniel Patrick Moynihan, trong nhiều năm
đại diện cho tiểu bang New York tại Quốc hội, tuyên bố về hưu, các chính trị
gia Đảng Dân chủ, trong đó có Charlie Rangel, cố thuyết phục Clinton tranh cử
cho chiếc ghế của New York tại Thượng viện trong cuộc tuyển cử năm 2000. Khi
quyết định ra tranh cử, Clinton dọn về New York, trở thành đệ nhất phu nhân Hoa
Kỳ đầu tiên ra tranh một chức vụ dân cử. Lúc đầu, đối thủ của bà là Thị trưởng
thành phố New York, Rudy Giuliani, nhưng về sau Giuliani rút lui sau khi được
chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và sau khi nhận ra rằng ông đang mất
dần sự ủng hộ của công chúng. Thay vào đó là một ứng viên ít tiếng tăm hơn,
Rick Lazio, dân biểu đại diện hạt Suffolk ở Long Island. Cuộc đấu sức thu hút sự
quan tâm toàn quốc và cả hai ứng viên đều được cung ứng ngân quỹ dồi dào. Cuối
cuộc đua, Clinton của Đảng Dân chủ và các ứng viên Đảng Cộng hoà, Lazio và
Giuliani, đã tiêu tốn tổng cộng 78 triệu USD.
Khi Clinton có hậu cứ vững chắc ở thành phố New York thì các
ứng viên và những nhà quan sát chờ đợi cuộc đua sẽ được quyết định ở vùng thượng
New York, nơi sinh sống của 45% cử tri tiểu bang New York. Suốt trong chiến dịch
vận động tranh cử, Clinton thề sẽ cải thiện toàn cảnh kinh tế của vùng thượng
New York, hứa hẹn kế hoạch của bà sẽ cung cấp 200.000 chỗ làm cho New York
trong vòng sáu năm. Clinton đến thăm từng hạt khắp tiểu bang trong khuôn khổ
"chuyến đi để lắng nghe" để tiếp xúc với từng nhóm nhỏ cử tri.
Ngày 7 tháng 11 năm 2000, Clinton giành được chiến thắng với
55% số phiếu bầu trong khi Lazio chỉ có 43%. Ngày 3 tháng 1 năm 2001, Hillary
Clinton tuyên thệ nhậm chức Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.
Tranh cử Tổng Thống Mỹ lần đầu năm 2008:
Ngày 20 tháng 1 năm 2007, Thượng Nghị sĩ Hillary Clinton
tuyên bố bà sẽ thành lập một ủy ban thăm dò để ứng cử tổng thống năm 2008, với
lời tuyên bố "Tôi quyết định nhập cuộc. Tôi tham gia cuộc đua là để chiến
thắng". Chưa hề có phụ nữ nào được một chính đảng quan trọng đề cử tranh
chức Tổng thống Hoa Kỳ.
Clinton tập hợp một nhóm các cố vấn và những nhà điều hành
cho chiến dịch của bà. Patti Solis-Doyle là người phụ nữ Hispanic (các dân tộc
nói tiếng Tây Ban Nha) đầu tiên được chọn để điều hành chiến dịch. Làm phó cho
Solis-Doyle là Mike Henry, người đã điều hành thành công chiến dịch tranh cử Thống
đốc Virginia năm 2005 cho Tim Kaine. Howard Wolfson, một cựu binh của chính trường
New York, đảm trách nhiệm vụ phát ngôn nhân. Evelyn S. Lieberman, từng làm việc
cho Clinton khi còn là Đệ nhất Phu nhân, cũng từng là Phụ tá Chánh Văn phòng
Tòa Bạch Ốc, được chọn làm ủy viên thường trực cho chiến dịch.
Trong sáu tháng đầu năm 2007, Clinton luôn dẫn đầu trong cuộc
đua tranh sự đề cử của Đảng Dân chủ. Thượng nghị sĩ Barack Obama đại diện tiểu
bang Illinois, và cựu Thượng nghị sĩ John Edwards đến từ Bắc Carolina, là những
đối thủ bám sát Clinton.[81] Bà đã lập kỷ lục gây quỹ trong giai đoạn đầu của
chiến dịch tranh cử, kế cận bà là Obama.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của Đảng Dân chủ năm 2008
diễn ra ở Iowa ngày 3 tháng 1, Clinton về thứ ba với 29,45% phiếu bầu, sau
Obama (37,58%), và Edwards (29,75%). Năm ngày sau ở New Hampshire, Clinton
giành chiến thắng đáng kinh ngạc với 39% phiếu bầu so với 37% phiếu dành cho
Obama. Nhưng khi Bill Clinton và Hillary Clinton đưa ra những nhận xét liên
quan đến Martin Luther King, Jr. và Lyndon B. Johnson,[90] nhiều người xem đây
là những ám chỉ cho rằng Obama là ứng cử viên thiên vị chủng tộc, hoặc chí ít
cũng là chối bỏ mọi thành quả hòa hợp chủng tộc của Obama. Mặc dù Clinton, và cả
Obama, ra sức làm lắng dịu vấn đề, đã nảy sinh tình trạng phân cực trong vòng cử
tri Đảng Dân chủ, kết quả là Clinton đánh mất sự ủng hộ từ nhiều người Mỹ gốc
Phi. Vì thế Hillary Clinton thất bại trước Obama trong cuộc bầu cử sơ bộ ngày
26 tháng 1 ở Nam Carolina với tỷ số 55% và 27%
Đến lúc này, Edwards tuyên bố rút lui, để đấu trường chỉ còn lại Clinton
và Obama nỗ lực cho ngày Thứ Ba Trọng đại (5 tháng 2). Những tuyên bố của Bill
Clinton chỉ thu hút thêm sự chỉ trích, khiến ông trở nên một tai họa cho chiến
dịch tranh cử của vợ đến nỗi nhiều ủng hộ viên lên tiếng yêu cầu vị cựu tổng thống
nên im lặng. Đến ngày Thứ Ba Trọng đại, Clinton thắng phiếu ở các tiểu bang lớn
như California, New York, New Jersey, và Massachusetts, nhưng Obama chiến thắng
ở nhiều tiểu bang hơn; số phiếu cử tri đoàn và phiếu phổ thông hầu như chia
đều cho cả hai.
Rồi Obama chiến thắng trong mười một cuộc bầu cử sơ bộ và bầu
kín kế tiếp, thường với cách biệt lớn, và bứt lên dẫn trước Hillary Clinton. Suốt trong chiến dịch tranh cử,
Obama thắng trong các cuộc bầu kín, và có kết quả tốt trong các cuộc bầu cử sơ
bộ tại những vùng có nhiều người Mỹ gốc Phi, giới trẻ, những người tốt nghiệp đại
học, hoặc các cử tri giàu có, trong khi Clinton thành công tại những vùng có
nhiều người Hispanic (nói tiếng Tây Ban Nha), người già, người có trình độ học
vấn dưới đại học, hoặc giới thợ thuyền da trắng. Bà Hillary Clinton đã thất bại
trước Barack Obama là Ứng cử viên da đen đầu tiên trong lịch sử bầu cử Tổng thống
Hoa Kỳ.
Làm Ngoại Trưởng Hoa Kỳ:
Ngày 1 tháng 12 năm 2008, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack
Obama cho biết ông sẽ đề cử bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi ông nhậm
chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2009 . Ngày 21 tháng 1 năm 2009, bà được Thượng
viện phê chuẩn và trở thành Ngoại trưởng thứ 67 của Hoa Kỳ. Bà là Ngoại trưởng năng động nhất, đi nhiều nhất tới các quốc gia để giúp TT Barack Obama đưa uy thế và sức mạnh của Hoa Kỳ trở lại vị thế cường quốc kinh tế và quân sự sau nhiều năm suy sụp dưới thời Tổng thống Cộng Hòa George W. Bush.
Bà Hillary Clinton từ chức ghế Ngoại
trưởng vào ngày 01/02/2013 để chuẩn bị kế hoạch ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2016. Người kế vị bà làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ hiện nay là Thượng nghị sĩ John Kerry.
Chiến thắng của bà Hillary Clinton vào Đêm Bầu cử Sơ Bộ đã làm cho đa số dư luận khắp Hoa Kỳ đều đặt tin tưởng bà sẽ là khắc tinh của Trung Quốc vì bà đã từng có những lần cảnh cáo Trung Quốc bằng lời lẻ nặng nề khi bà còn làm Ngoại trưởng; nhất là bà không muốn sự hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông.